Xã Nhật Tân nằm ở phía Tây Nam huyện Gia Lộc, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Phía Bắc giáp xã Phạm Kha huyện Thanh Miện, phía Nam giáp với xã Quang Minh huyện Gia Lộc và xã Thị Trấn Thanh Miện, phía Đông giáp xã Đồng Quang, phía Tây giáp xã Lam Sơn huyện Thanh Miện. Diện tích đất tự nhiên của xã là 363.46 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 255,6 ha, đất phi nông nghiệp 107,8 ha. Dân số có 5.063 nhân khẩu và 1.654 hộ gia đình, được chia làm hai thôn Cao Duệ và Thị Đức.
Ảnh: Bản đồ tự nhiên của xã
Nhật Tân là mảnh đất có từ lâu đời, từ thế kỷ thứ VIII sau Công Nguyên. Qua ngàn năm biến động của lịch sử và được con người chinh phục, mở mang đã tạo thành vùng đất mầu mỡ như ngày nay.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Nhật Tân ngày nay thuộc 2 làng (tức xã) mỗi làng là một đơn vị hành chính độc lập, đó là Làng Tông Đức và làng Rồng thuộc phủ Hạ Hồng. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) làng Tông Đức và làng Rồng thuộc tổng Thị Đức[1], huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Cả 2 làng có 403 hộ với 2.064 nhân khẩu.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, đến tháng 02 năm 1946, Quốc hội (khoá I) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định thành lập hệ thống chính quyền cơ sở, các xã mới được hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Uỷ ban cách mạng huyện Gia Lộc, ngày 26 tháng 4 năm 1946, tại chùa Hàn, thôn Thị Đức, Uỷ ban cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh 2 xã họp thống nhất việc thành lập xã mới, tại cuộc họp này, đồng chí Lê Hiền Hữu đại diện cho cán bộ Việt Minh tỉnh và huyện công bố thành lập xã mới lấy tên là xã Nhật Tân. Xã gồm có 02 thôn Cao Duệ và Thị Đức tồn tại cho đến ngày nay.
* Thôn Cao Duệ: Còn gọi là làng Rồng. Lưu truyền, làng Rồng xưa kia nằm trong vùng có nhiều sông lớn, nhỏ uốn khúc chảy qua, có rồng đá tự nhiên nổi lên chầu vào văn chỉ, văn miếu thờ thần hoàng làng. Làng Rồng có 4 cổng chính là cổng Đá (xây bằng đá), cổng Đông, cổng Từ, cổng Và, xung quanh làng bên ngoài là hào sâu 1m, rộng 3m, bên trong là luỹ tre dầy đặc bao bọc. Đến mùa nước lớn, dù nước có dâng cao nhưng làng vẫn được khô ráo, bởi có hệ thống tiêu thoát nước và cống ngầm chảy trong lòng chợ Rồng dài 100m.
Trong làng có 2 con đường chính chia làng làm 4 giáp (4 xóm) giáp Đông ở cổng Đông, giáp Bắc ở cổng Từ, giáp Đoài ở cổng Đá, giáp Nam ở cổng Và. Đường làng ghép gạch nghiêng rộng 1,5m, là một trong số ít làng trong huyện có được trong chế độ phong kiến.
Miếu Rồng, chùa Liên Hoa (đến năm 1705 đổi thành chùa Chiêu Phúc), Văn chỉ là những công trình tín ngưỡng hoành tráng, đồ sộ, là di sản quý báu của địa phương.
Miếu Rồng tôn thờ Thành Hoàng làng là cụ Đào Ngọc Sâm (Sâm Công) làm quan ở triều nhà Đinh tới chức Tham tán mưu sự thống lĩnh thuỷ bộ chư doanh Đại tướng quân, ở triều Tiền Lê làm quan tới chức Phó thống quốc thượng tướng quân
Ông qua đời ngày 13 tháng 3 âm lịch tại làng Rồng, được nhà vua ban phong mỹ tự “Vạn cổ được hưởng lộc nước, được thờ phụng mãi mãi, trường tồn cùng đất nước”, cho xây đền thờ ông ở động Tung Sơn và làng Rồng, cho dân sở tại làm hộ nhi (tức là trông coi quét dọn đền), phong ông là An Nam thánh Tổ linh ứng đại vương”.
Đình làng Rồng ở trung tâm làng, trong đình có bức hoành phi mang 4 chữ "Phong tục khả gia", với 5 gian to nhất vùng. Năm 1948, thực hiện nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến” nhân dân trong làng đã tự nguyện tháo dỡ, chuông chùa được nhân dân ủng hộ công binh xưởng đúc vũ khí. Năm 2002, đình làng Rồng được khôi phục khang trang, to đẹp trên nền móng cũ.
Ảnh: Quang cảnh Đình làng Thôn Cao Duệ
* Thôn Thị Đức
Còn gọi là làng Sùng Đức, Tông Đức và làng Đác, địa thế có sông bao bọc phía Bắc, đông và phía Đông Nam. Đây là nhánh sông Tràng Thưa chảy vào tiếp giáp xã Phạm Trấn, quanh làng có luỹ tre xanh bao bọc chỉ để 4 cổng chính đi lại: cổng Cầu Sung, cổng Hột, cổng Bàng, cổng Cầu Giếng, địa thế của Làng nằm sát con sông lớn. Làng có 5 giáp (5 xóm): giáp Đông, giáp Đoài, giáp Nam, giáp Bắc và giáp Báo Ân. Đường chính của làng được ghép gạch nghiêng rộng 1,5 m, đi lại thuận tiện.
Chùa Dâu tên tự là Quảng Cung Hàn, tên được tạc vào văn bia là Sùng Thiên tự. Chùa Dâu nằm trên một khu đất cao ở giữa cánh đồng, cách khu dân cư 1km. Bao quanh chùa là dòng sông Hàn, hồ ao ngát hương sen và đồng ruộng màu mỡ.
Quy mô và kiến trúc của chùa Dâu ngày xưa rất lớn, trên diện tích 3 mẫu Bắc bộ có tới 100 gian nhà trong một khuôn viên khép kín, xung quanh có tường và rào tre chắc chắn. Niên đại khởi dựng ngôi chùa chưa xác định được chính xác. Nhưng căn cứ vào các dấu tích gạch, ngói tìm thấy xung quanh chùa ta có thể xác định chùa được xây dựng từ cuối thời Lý, đầu thời Trần. Tấm bia ghi công đức khắc năm 1331 là một tài liệu quan trọng minh chứng cho việc trùng tu, tôn tạo chùa vào thời Trần mà còn là một tác phẩm điêu khắc đá điển hình. Đến thời Lê chùa lại được trùng tu lớn, hiện còn 2 tấm bia nói về việc trùng tu này. Bia thời Vĩnh Thịnh lục niên (1710) và Cảnh Hưng thứ 21 (1760).
: mái bia cong vừa phải, thân bia có một đường riềm, trong đường riềm có chạm khắc hình rồng ở mặt trước, hoa dây ở mặt sau. Bia khắc cả hai mặt. Mặt trước trán bia được trang trí bằng nhiều lá và hoa sen gần với tự nhiên, thân bia có chữ “Phật” to hết cả mặt bia, chữ viết thảo trên đá nhưng vẫn rõ ràng. Dưới chữ “Phật” có chạm một bên là con chim hạc đứng, đầu đội ngọn nến đang cháy, một bên có con quỷ hình người đội đỉnh hương. Dưới chân bia có chạm khắc hoa văn hình sông nước, mây núi. Mặt sau tấm bia có khắc 3 chữ Hán “Sùng Thiên tự” tức chùa Sùng Thiên, dưới ghi họ tên những người cung tiến ruộng, tiền vào việc tu sửa chùa. Năm 2022, Bia "Sùng Thiên tự bi" được đón nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chùa Dâu có sự đan xen tín ngưỡng vừa thờ phật lại vừa thờ thánh. Chùa thờ đức thánh Phạm Trinh Hiến - tương truyền bà là nữ tướng quân thống lĩnh một đội quân tinh nhuệ giúp Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán. Theo thần tích và văn bia năm Nhâm Ngọ (1162), vua Trần Nhân Tông sắc phong cho đức bà Phạm Trinh Hiến hiệu Tiên Dung công chúa "Gia phong mỹ tự nhất vị âm thần", tặng phong "Diệu Quang Tuệ Tĩnh". Hằng năm nhân dân địa phương mở lễ hội truyền thống vào ngày 10 tháng 8 âm lịch.
Đình Thị Đức thờ Thành Hoàng làng là 3 vị dương thần, hiệu của 3 vị dương thần là: Thiện sĩ Đại Vương, Giáp Bạo Đại Vương, Tam Giang Đại Vương, khánh tịch vào ngày 12 tháng 9 âm lịch. Đình bị địch phá năm 1952 và nhân dân dỡ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đình làng là nơi hội họp của Hội đồng kỳ mục, các phe, giáp “Xuân thu nhị kỳ”. Đình làng tổ chức các ngày hội làng, có gánh hát tuồng, chèo biểu diễn phục vụ nhân dân- nơi hội tụ đông vui của những người lao động. Hiện nay đình được nhân dân tôn tạo, tu bổ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Ảnh: Quang cảnh Chùa Dâu thôn Thị Đức
* Truyền thống gắn bó đoàn kết, tạo dựng cuộc sống
Ngay từ xưa người dân làng Rồng, Tông Đức đã phải lao động vất vả, lam lũ, một nắng hai sương, rèn đúc lên những đức tính truyền thống cao quý: dũng cảm, sáng tạo trong lao động sản xuất, giản dị thuần phát, trung thực, thẳng thắn, đạo lý, sống thuỷ chung tình nghĩa. Những lúc mưa to gió lớn, nước ngập “ngang trời”, thóc cao gạo kém, tối lửa tắt đèn có nhau, sống cộng đồng như anh em một nhà, chia nhau bát cơm, bát cháo
Trên mảnh đất quê hương bao đời người dân sống quần tụ, gắn bó bên nhau, đi chung một đường làng, một ngõ, xóm, họp chung một chợ, ruộng liền bờ thửa, nhà cách nhà chỉ một hàng cau, hàng dâm bụt. Xóm làng yên vui, đầm ấm, ngồi chung một sân đình, tắm chung một dòng sông, những mái nhà tranh vách đất, cuộc sống lam lũ của người nông dân
Đại bộ phận người dân địa phương làm nghề nông do xa đô thị, đường quốc lộ, chỉ có một vài sập hàng xén, hàng tấm, hàng quà ngoài chợ Rồng. Số người buôn thúng bán mẹt, hàng xay hàng xáo cũng rất ít. Chợ Rồng họp theo phiên ở trước cửa đình làng, buôn bán trao đổi chủ yếu là hàng nông sản
* Truyền thống hiếu học
Từ thế kỷ XV đến XVIII, nhiều người con của quê hương đã đỗ đạt, như:
- Cụ Nguyễn Dương Kỳ đỗ Tam giáp tiến sĩ, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), làm quan Thị Lang thời vua Lê Thánh Tông.
- Cụ Phạm Quả Đoán, đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523), làm quan tới chức Đệ hình giám sát ngự sử.
- Cụ Phạm Khánh Tường đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3 (1532), làm quan tới chức Tham chính tước bá.
- Cụ Phạm Khắc Hựu, đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3 (1532), làm quan tới chức Đệ hình giám sát ngự sử.
Trong quá trình xây dựng quê hương đất nước, nhiều người con trong xã đã không ngừng học tập và đỗ đạt cao, đang lao động, công tác, sinh sống trên mọi miến đất nước. Tiêu biểu sau 1945, có GS.TS sử học Nguyễn Văn Kiệm, kỹ sư đầu ngành Đoàn Văn Khang, đồng chí Nguyễn Đức Kiên- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), đồng chí Phạm Văn Thọ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Tổ chức Trung ương…Nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp trong Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam và các cơ quan nhà nước, những doanh nhân trên các lĩnh vực…Ngày nay kế tục truyền thống đó, hằng năm nhiều con em quê hương đã nỗ lực học tập, rèn luyện, thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng, không ngừng học tập, công tác và trưởng thành. Do có truyền thống hiếu học, địa phương có nhiều người trở thành giáo viên ở các cấp học, là xã có nhiều giáo viên nhất các xã trong huyện.
* Truyền thống đấu tranh cách mạng
Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có hàng ngàn năm lịch sử. Làng xã trong cộng đồng gắn liền với năm tháng thử thách vẻ vang của dân tộc, quê hương, nhiều tấm gương và phong trào đấu tranh tiêu biểu tác động đến mảnh đất này như: Cụ Đào Ngọc Sâm ở làng Rồng, 18 tuổi đã dựng cờ chiêu mộ binh sĩ giúp nhà Đinh (năm 967) dẹp loạn đánh quân nhà Tống (năm 981). Đất nước thanh bình cụ về trấn ải Châu Hoan, Châu Ái. Cuối đời cụ về Cao Duệ giúp dân xây dựng quê hương, được triều đình phong chức “An Nam thánh tổ, Đại Việt quốc sư”
Từ trong đấu tranh, lao động, sản xuất đã bồi đắp cho người dân địa phương ý chí dũng cảm, kiên cường trước thiên tai, địch hoạ, đoàn kết đứng lên chống áp bức bóc lột, bất công.
Cùng với phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nhân dân làng Rồng, Tông Đức luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống bọn quan lại, hào lý, địa chủ phong kiến... các phong trào đấu tranh của nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống phu phen tạp dịch bằng nhiều hình thức linh hoạt, khi thì mềm dẻo, khi thì kiên quyết, buộc bọn hào lý có lúc phải chùn tay nhượng bộ.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dành độc lập cho Tổ Quốc đã có 128 người con quê hương đã nằm xuống được Nhà nước phong tặng liệt sỹ, và 81 người là thương bệnh binh. Năm 1999 xã nhà được Chủ tịch nước phong tặng xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.
Ảnh: Quang cảnh Nghĩ trang liệt sỹ.
Bước vào thời kỳ đổi mới Đảng bộ chính quyền và nhân dân đã đoàn kết một lòng nỗ lực cố gắng xây dựng phát triển mọi mặt về kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân. Năm 2022 xã nhà được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận là xã nông thôn mới nâng cao./.